Hải quân đánh bộ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc năm 1978

HQ Online -

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng, Quân chủng Hải quân đã cử một bộ phận lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới đất liền.

Sau 1975, nhân dân Cam-pu-chia chưa được hưởng hòa bình sau nhiều năm chiến tranh, thì lại rơi vào bi kịch lớn: Tập đoàn diệt chủng Pôn pốt thi hành đường lối đối nội, đối ngoại phản động, tàn bạo chưa từng có trong lịch sử. Chỉ trong hơn 3 năm tồn tại, chúng đã sát hại trên 3 triệu người dân vô tội, giam cầm hơn 4 triệu người khác, thanh trừng dã man nhiều cán bộ cách mạng, làm cho đất nước Chùa Tháp bị tàn phá nặng nề, tiêu điều, xơ xác... Chúng chà đạp lên mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam; liều lĩnh xua quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, Phú Quốc của ta. Chúng triển khai 19 sư đoàn, gây chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam, tàn sát hàng vạn dân thường, đốt phá nhiều làng mạc, nhà cửa.

Trước tình hình đó, tháng 7/1977, Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, vùng biển Tây Nam, chỉ rõ tập đoàn Khơ me Đỏ phản động âm mưu xâm chiếm đất đai, xâm chiếm các đảo và biển của ta. Vì vậy, các lực lượng bảo vệ đảo và vùng biển Tây Nam "phải luôn luôn ở tư thế chiến đấu và SSCĐ cao, địch vào là biết, đã đánh là thắng, đánh tiêu diệt, giành thắng lợi ngay từ trận đầu”.

Quân chủng Hải quân đã triển khai kế hoạch phòng thủ bảo vệ vùng biển, đảo Tây Nam. Tuy nhiên, khi chiến sự trên biên giới đất liền diễn ra ác liệt, nhằm giáng trả những hành động xâm lược biên giới, gây nhiều tội ác với nhân dân ta, Bộ Tổng Tham mưu đã ra lệnh cho Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng tham gia đánh địch trên biên giới đất liền. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Quân chủng lệnh cho Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ (HQĐB), hiệp đồng và phối thuộc cho Quân khu 9 thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới đất liền của Tổ quốc.

Trên hướng Hà Tiên, từ sáng 15/3/1978, Bộ Tư lệnh Hải quân sử dụng lực lượng Lữ đoàn 126 HQĐB như sau: Tổ chức 1 cánh quân (1 đại đội của Tiểu đoàn 861, 1 đại đội của Tiểu đoàn 862 và 3 đại đội trực thuộc Lữ đoàn cùng tiểu đội trinh sát thuộc Phòng Tham mưu) cơ động từ Cam Ranh vào Hà Tiên bằng máy bay quân sự. Một cánh quân khác hành quân từ Phú Quốc ra Hà Tiên (do Tiểu đoàn 863 đảm nhiệm, đã có mặt ở Phú Quốc trước đó làm nhiệm vụ SSCĐ phòng thủ bảo vệ vùng biển, đảo Tây Nam).

Chiều 15/3/1978, 2 cánh quân từ Cam Ranh và Phú Quốc đã gặp nhau tại Hà Tiên, tổ chức trận địa phòng ngự bảo vệ biên giới, hoàn thành nhiệm vụ triển khai lực lượng chiến đấu phối thuộc với Quân khu 9 theo đúng kế hoạch tác chiến và mệnh lệnh của trên, tạo ra áp lực vô cùng lớn buộc địch phải huỷ bỏ ý định quấy phá, xâm chiếm lãnh thổ của ta trên tuyến biên giới Hà Tiên.

Trên hướng Tây Ninh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cơ động lực lượng bảo vệ Hà Tiên, ngày 14/4/1978, theo chỉ đạo của trên, Quân chủng Hải quân tiếp tục sử dụng lực lượng của Lữ đoàn 126 HQĐB tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới tỉnh Tây Ninh (khu vực Xa Mát và kênh Vĩnh Tế).

Quân chủng rút lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Tiên về tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Ninh (1 đại đội của Tiểu đoàn 861, 1 đại đội của Tiểu đoàn 862 và 2 đại đội trực thuộc Lữ đoàn, tiểu đội trinh sát thuộc Phòng Tham mưu). Riêng toàn bộ Tiểu đoàn 863 và 1 đại đội hoả lực của Lữ đoàn 126, theo yêu cầu của Quân khu 9, được phối thuộc cho Quân khu để tổ chức phòng ngự ở vịnh Cá Thu. Điều động bổ sung thêm lực lượng của Lữ đoàn 126 (Tiểu đoàn 862, Tiểu đoàn 864, 2 đại đội trực thuộc Lữ đoàn), từ Cam Ranh vào Tây Ninh. Lực lượng này hành quân bằng tàu hoả vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó chuyển tiếp bằng ô tô, đến tối 17/4 cánh quân bổ sung này đã có mặt tại Tây Ninh.

Sáng 18/4, Sở chỉ huy nhẹ của Lữ đoàn 126 ở Tây Ninh nhận bàn giao nhiệm vụ chiến đấu từ đơn vị bạn, tổ chức bố trí lực lượng phòng ngự, củng cố lại trận địa và triển khai phương án chiến đấu. Mặc dù vào thời điểm đó đa số lực lượng của Lữ đoàn 126 chưa được huấn luyện tác chiến phòng ngự, song vẫn quyết tâm triển khai theo phương án đã được thông qua.

Ngay trận đầu chạm trán với lực lượng của quân Khơ me Đỏ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 đã dũng cảm, bám sát công sự trận địa, vận động linh hoạt, cơ động nhanh, chốt chặt mọi vị trí, kịp thời nổ súng chính xác, bẻ gãy nhiều đợt tấn công xâm lấn của địch, giữ vững trận địa phòng ngự. Liên tiếp các ngày sau đó đơn vị đập tan nhiều lần địch liều lĩnh tấn công vào khu vực đóng quân và tuyến phòng ngự dọc biên giới của ta góp phần bảo vệ toàn vẹn vùng đất Tây Ninh.

Trên hướng An Giang, sau khi phòng ngự thắng lợi ở mặt trận Tây Ninh, 13 giờ 20/4/1978, Tư lệnh Mặt trận Tây Nam lệnh cho Lữ đoàn 126 chuyển sang phòng ngự ở hướng Châu Đốc, An Giang. Ngày 22/4 lực lượng cơ động đầu tiên của Lữ đoàn có mặt tại khu vực Châu Đốc. Do đã có nhiều kinh nghiệm, lực lượng được bổ sung theo biên chế thời chiến lại được huấn luyện bổ sung sát với nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự, đơn vị luôn làm chủ tình thế, chủ động tiến công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ vững chắc trận địa phòng ngự và tuyến biên giới dọc tỉnh An Giang.

Tiêu biểu là ngày 24/5/1978, phát hiện 2 tiểu đoàn địch đánh vào Núi Sam, chỉ huy Lữ đoàn lệnh cho 2 đại đội của Tiểu đoàn 864 tổ chức phản công, đánh địch trước trận địa, diệt 108 tên, thu nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng, buộc địch phải chuyển vào thế phòng ngự, chống đỡ, không dám hung hăng liều lĩnh như trước, ta giữ vững được đất đai.

Ngày 17/6/1978, địch cho 1 tiểu đoàn tấn công vào khu vực Bảy Núi gây tội ác. Kiên quyết trừng trị quân xâm lược, 2 đại đội của Tiểu đoàn 862 phản kích đánh chính diện vào đội hình địch, diệt tại chỗ 30 tên, thu nhiều vũ khí, đạn dược.

Ngày 1/7/1978, Tiểu đoàn 862 áp dụng chiến thuật vận động tấn công, đánh tan 2 tiểu đoàn địch, diệt 94 tên, bảo vệ toàn vẹn vùng đất An Giang.

Sau hơn 3 tháng từ 15/3 đến 1/7/1978, trên hướng Tây Ninh, An Giang, Hà Tiên, Lữ đoàn 126 HQĐB đã chiến đấu 38 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 730 tên, thu nhiều súng đạn các loại. Các Tiểu đoàn 862, 863, 864 liên tục tiến công địch, bí mật luồn sâu, bao vây, vu hồi, đánh sâu trong lòng địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng, hoang mang, khiếp sợ.

Lữ đoàn 126 HQĐB trở thành nỗi ám ảnh của địch trên khắp các chiến trường từ Tây Ninh, Châu Đốc đến Hà Tiên; góp phần quan trọng cùng các lực lượng Quân khu 9 đập tan nhiều đợt tiến công xâm lấn của địch, lập nhiều chiến công, bảo vệ chủ quyền vùng đất Tây Nam của Tổ quốc. Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng lá cờ mang dòng chữ “Chiến đấu, dân vận tốt”.

Hơn 40 năm trước, cùng với nhiệm vụ chính bảo vệ vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân đã sử dụng Lữ đoàn 126 HQĐB tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới đất liền. Những kinh nghiệm chiến đấu quý báu thu được trong chiến đấu bảo vệ biên giới đất liền đã được HQĐB phát huy trong chiến dịch ĐBĐB Tà Lơn (1/1979) và các đợt hoạt động chiến đấu truy quét tàn quân Khơ me Đỏ trên đất bạn Cam-pu-chia, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Nguyễn Đức Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn