Để bảo hiểm xã hội ngày càng thiết thực

HQ Online -

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành địa phương khẩn trương xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhà nước cần bổ sung các quyền lợi để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực, thu hút người lao động tham gia BHXH. Ảnh: minh họa

Thời gian qua, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), mua bán sổ BHXH, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, nhất là số người rút BHXH một lần diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng đang gây ra nhiều hệ lụy đối với an sinh xã hội.

Do vậy, nhiều cử tri đề nghị cần sớm sửa đổi Luật BHXH theo hướng cấm hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức; giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và các quy định nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần... Cùng với đó, nhà nước cần bổ sung các quyền lợi để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực, thu hút người lao động tham gia BHXH.

Đơn cử, tại Khoản 6, Điều 18 Luật BHXH thì người lao động có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH.

Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động nhằm thực hiện việc mua bán số BHXH của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.

Đặc biệt, làn sóng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần rất đáng lo ngại với trên 302.000 người trong 4 tháng đầu năm 2022, đưa tổng số người hưởng BHXH một lần trong 5 năm qua lên trên 3,7 triệu người. Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong lần sửa đổi luật tới đây.

Rõ ràng, điều kiện hưởng BHXH một lần quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng. Thế nên, 97% người lao động chọn rút BHXH một lần ngay sau 1 năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phần lớn chỉ 20 - 30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước.

Để ngăn tình trạng trên, nhiều chuyên gia đề nghị, luật sửa đổi phải bổ sung quy định hạn chế người thôi việc hưởng BHXH một lần, như nhiều quốc gia chỉ quy định cho 2 - 3 nhóm đối tượng hưởng chính sách này như mắc bệnh nặng, hoặc di cư hay khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Trong bối cảnh đời sống khó khăn, bên cạnh lý do người lao động chưa thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH về lâu dài, cũng như tác hại của rút BHXH một lần, thì việc triển khai một số chính sách hỗ trợ an sinh chậm cũng làm gia tăng tình trạng rút BHXH một lần hoặc bán sổ BHXH.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ hướng đến việc giảm dần số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm được hưởng lương hưu, mà phải thiết kế cách tính lương hưu làm sao để người tham gia, nhất là lao động có mức lương thấp đảm bảo cuộc sống.

Hiện chế độ hưởng lương hưu đang nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nên thực tế một bộ phận người hưởng lương hưu rất thấp, thậm chí thấp hơn mức lương cơ sở, đa số rơi vào nhóm lao động trực tiếp.

Do vậy, về mặt tổng thể, cần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, để họ sống được bằng lương. Quan tâm đến người lao động là quan tâm đến nguồn nhân lực, từ đó tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, khi xảy ra biến cố ít nhất họ có một khoản tích lũy để duy trì cuộc sống.

Thiết nghĩ, chính sách BHXH liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nếu người lao động có việc làm bền vững, môi trường làm việc tốt, thu nhập đảm bảo thì không bao giờ họ nghĩ đến chuyện rời khỏi hệ thống bằng nhận BHXH một lần.

Tổng thể cần nhiều chính sách như vậy mới giải quyết được những bất cập trong thực thi chính sách BHXH hiện nay.

Thanh Thảo

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn