Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội: TỪ ĐẠI HỘI LẦN THỨ I ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ III

HQ Online -

Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội lần thứ I của Đảng: Khôi phục tổ chức, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc). 13 đại biểu thay mặt gần 6 nghìn đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước đã tham dự.

Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu: Củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi; đẩy mạnh chống chiến tranh đế quốc; thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ...  

Đại hội bầu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương gồm 13 đồng chí do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư. Gần 2 năm sau, tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội lần thứ I của Đảng là dấu mốc lịch sử quan trọng được tổ chức sau 5 năm tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đánh dấu sự khôi phục các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước đồng thời thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng.

Đại hội lần thứ II của Đảng: Đảng lãnh đạo đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh TL

Điều kiện lịch sử đã đặt ra cho Đảng ta các yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 760 nghìn đảng viên.

Đại hội đã tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, 5 năm lãnh đạo chính quyền non trẻ và công cuộc kháng chiến kiến quốc; làm rõ những kinh nghiệm, bài học và lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chiến tranh nhân dân; đánh giá bước phát triển của nửa đầu và dự báo sự phát triển của cách mạng nước ta nửa sau thế kỷ XX.

Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên CNXH sau khi kháng chiến thành công.

Do sự phát triển và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội đã bầu BCH Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. BCH Trung ương đã bầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch BCH Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại hội lần thứ III của Đảng: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà

Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. Ảnh TL

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 5 đến 10-9-1960 tại Thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 500 nghìn đảng viên.

Đại hội đã tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà của nhân dân ta.

Đại hội xác định cách mạng miền Nam có vị trí rất quan trọng, quyết định trực tiếp sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội bầu BCH Trung ương gồm 78 đồng chí, trong đó 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được Đạo hội bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng.

Đại hội quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo HQVN điện tử (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn