Công bố nguyên nhân sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung

Chiều 30-6, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo quốc tế công bố về nguyên nhân sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam.

* Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi và cam kết đền bù hơn 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD)

Chủ trì cuộc họp báo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng. Tham dự còn có đại diện nhiều bộ, ban, ngành và tùy viên các đại sứ quán.

Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Quang Phương

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đọc bản thông cáo công bố nguyên nhân gây sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung. Toàn văn như sau: 

1. Trong tháng 4-2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

2. Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, huy động hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… kết hợp với Hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh-FHS (gọi tắt là Công ty Formosa Hà Tĩnh) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của công ty đã dẫn đến nước thải từ công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.

Từ các căn cứ nêu trên, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong tháng 4 vừa qua.

3. Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành khác có liên quan đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 28-6-2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết: (1) Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. (2) Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương hơn 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD). (3) Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, bảo đảm xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra. (4) Phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế. (5) Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Với nhận thức sâu sắc là sự cố môi trường nghiêm trọng vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp: Thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, sát thực tế, có sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan báo chí; giám sát và yêu cầu Công ty Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển tại 4 tỉnh, công khai thông tin chất lượng môi trường; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm; tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, không để kẻ xấu, các tổ chức phản động lợi dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung.

5. Chính phủ đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, đồng tình của nhân dân trong và ngoài nước, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung; sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà khoa học; sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; sự vào cuộc, phối hợp kịp thời của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí; sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong suốt quá trình giải quyết sự cố môi trường. Đồng thời hoan nghênh thái độ và dư luận Đài Loan đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm sai phạm, yêu cầu phía Formosa hợp tác để xử lý vụ việc.

6. Qua sự cố môi trường nêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Cũng tại cuộc họp báo, ban tổ chức đã công bố video clip trong đó tập thể lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi Nhà nước và nhân dân Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty nói rằng, ông và ban lãnh đạo đại diện cho 6.300 nhân viên công ty nói lời xin lỗi. Công ty Formosa xin nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân Việt Nam, nhất là người dân 4 tỉnh miền Trung vì việc gây ra sự cố ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. "Chúng tôi xin cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục lại môi trường biển, cam kết thực hiện các nghĩa vụ đã nêu, xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Việt Nam"-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khẳng định.

Quá trình điều tra nguyên nhân rất phức tạp

Tiếp theo đó, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã dành thời gian giải đáp những câu hỏi của các nhà báo xoay quanh quá trình xác định nguyên nhân cá chết; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi cấp phép xả thải với Formosa; có hay không việc chậm cung cấp thông tin về nguyên nhân gây cá chết; qua sự cố này, quy trình thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tới đây có gì thay đổi không; cơ sở nào để đưa ra con số bồi thường là 500 triệu USD?...

Liên quan tới quá trình xác định nguyên nhân cá chết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc đánh giá nguyên nhân rất phức tạp, đòi hỏi phải có chứng cứ bài bản, khoa học. Vùng xảy ra hiện tượng ô nhiễm cũng rất rộng nên cần xem xét một cách cẩn trọng, khách quan, chính xác, bảo đảm đúng, đủ chứng cứ. Cần đánh giá, xác định không chỉ nguyên nhân, mà còn cả thủ phạm gây ra hiện tượng này. Vì vậy, 3 nhóm công việc đã được triển khai. Thứ nhất, phải giải thích được là hiện tượng gì, cơ chế gì gây ra hiện tượng hải sản chết? Thứ hai, phải trả lời nguồn gây ô nhiễm tại đâu? Để tìm được nguyên nhân cá chết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã huy động hơn 100 nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia, xem xét, đánh giá các mẫu vật từ cá, từ đáy biển, nước biển, rặng san hô… Nhiều nhà khoa học đã phải lặn xuống biển để lần ngược theo các dấu vết để lại. Đây là công việc rất vất vả, nguy hiểm. Có rất nhiều thí nghiệm phải thực hiện, trong đó có những thí nghiệm phải vài tuần mới có kết quả. Thủ tướng cũng chỉ đạo các chứng cứ phải khoa học và thuyết phục nên các cơ quan lại phải tổ chức phản biện độc lập, trưng cầu giám định của các cơ quan độc lập nước ngoài. Từ đó đã xác định được hợp chất độc tố có trong nước biển là Phenol, Xyanua kết hợp với Hydroxit sắt lấy đi toàn bộ ô-xi trong nước biển ở những nơi nó đi qua. Đoàn kiểm tra đã rà soát hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp. Qua kiểm tra, hàng loạt vấn đề được xem xét từ nguồn xả thải Formosa Hà Tĩnh, từ đó phát hiện việc quản lý thử nghiệm lỏng lẻo tại Formosa Hà Tĩnh, thiết kế và vận hành hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm yêu cầu nên lò luyện cốc ở đây phát thải Phenol và Xyanua trong quá trình sản xuất thép. "Nhờ quá trình kiểm tra cẩn trọng, đúng yêu cầu, chúng tôi đã có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư nhận lỗi”-Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của nhà báo nước ngoài về mức đền bù 500 triệu USD dựa trên cơ sở nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, số tiền đền bù dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, môi trường. Còn có những tổn thương lớn hơn, ví dụ như tổn thương đến tâm lý của người dân mà chưa thể tính toán hết. Vì vậy, Formosa Hà Tĩnh sẽ phải chuyển đổi công nghệ để không bao giờ xảy ra sự cố tương tự.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu rõ: Đây là sự cố nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Thủ tướng đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân. Có thể khẳng định các nhà khoa học vào cuộc với cố gắng cao nhất, tiếp cận nhiều phương pháp khác nhau, huy động mọi lực lượng, trong đó có cả các nhà khoa học nước ngoài. Trong quá trình xác định nguyên nhân, khó khăn là tìm kiếm dấu vết ngay tại thực địa, đáy biển và thực hiện quy trình hồi tố. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Mỹ, I-xra-en, Nhật Bản…, các nhà khoa học Việt Nam đã củng cố các chứng cứ có tính thuyết phục cao và được quốc tế công nhận. Kết quả hôm nay đã thể hiện nỗ lực, trình độ, năng lực của các nhà khoa học Việt Nam trong xử lý những vấn đề khoa học phức tạp.

Trả lời câu hỏi có hay không việc các cơ quan chức năng chậm công bố thông tin về nguyên nhân gây ra cá chết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: Việc công bố hôm nay chứng tỏ việc xử lý sự cố môi trường nói trên đã luôn được công khai, minh bạch. Ngay từ đầu, các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu điều tra nhanh chóng, xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố để khắc phục thiệt hại, xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân sai phạm, buộc trách nhiệm bồi thường với họ. Kết quả nêu trên là hoàn toàn khách quan. Các cơ quan điều tra đã làm hết khả năng của mình. Dư luận trên mạng xã hội luôn lo lắng và mong ngóng kết quả là dễ hiểu, vì liên quan đến sự an lành của đất nước, đời sống hàng vạn người dân. Tuy nhiên, có một số đối tượng phản ứng thái quá và suy diễn đã gây nhiễu loạn thông tin. Một số đối tượng phản động đã lợi dụng hiện tượng này, kích động gây mất trật tự, gây bất an trong nhân dân. Đến nay, có thể khẳng định việc công bố thông tin là kịp thời.

Theo thông tin tại buổi họp báo, cũng là với một sự cố môi trường biển do một nhà máy thép, mà các cơ quan của Nhật Bản cần tới hơn một năm để xác định chính xác nguyên nhân, so với chỉ 3 tháng của chúng ta. 

Trước câu hỏi về việc bảo đảm tính an toàn của hải sản và nước biển tại các tỉnh miền Trung hiện nay, đại diện Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý, các sở y tế tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân, tập trung xét nghiệm hải sản sống. Trong 3 tuần đều tiến hành các xét nghiệm hằng ngày, cập nhật thông tin cho người dân, đăng tải trên website của bộ. Tất cả thông tin về hải sản xét nghiệm đã được công bố minh bạch.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, bộ với vai trò quản lý nhà nước về thủy sản ngay từ đầu đã chỉ đạo 3 việc: Lấy mẫu, giám sát và xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu với Chính phủ khoanh vùng ảnh hưởng tính từ bờ ra ngoài khơi 20 hải lý. Những vùng trong 20 hải lý ở 4 tỉnh, nếu phát hiện hải sản nhiễm độc thì lập tức tiêu hủy và sẽ có chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Vùng ngoài 20 hải lý là an toàn. Bộ đã tham mưu cho địa phương tổ chức kiểm định chứng nhận an toàn cho hải sản vùng ngoài 20 hải lý. Đối với nuôi trồng thủy sản, bộ khuyến cáo khi chưa xác định rõ nguyên nhân thì đề nghị không nên thả nuôi. Khi lấy mẫu hằng ngày phát hiện mẫu an toàn thì khuyến cáo địa phương có thể lấy nước để phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhưng phải qua ao lắng và quy trình nghiêm ngặt trước khi thả nuôi. Hiện nay, nước lấy vào cơ bản an toàn, tuy nhiên khi chưa xử lý hết tồn dư thì hằng ngày vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm an toàn. Bộ liên tục cử người hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung làm việc này.

Theo QĐND ĐT

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn