CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH-NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

HQ Online -

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, danh nhân văn hóa thế giới, Người còn là nhà báo lớn, một cây bút xuất sắc. Người đã đặt nền móng cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam phát triển rực rỡ cho đến ngày nay.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học cách viết báo và làm báo để phục vụ cho mục đích cao cả của Người và cũng là của cả dân tộc Việt Nam, đó là khơi dậy lòng yêu nước, giác ngộ quần chúng lao động đi theo con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng đất nước độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Sự nghiệp báo chí đồ sộ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng

Theo một số tài liệu nghiên cứu thì từ năm 1919 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2000 bài báo bằng nhiều thể loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký…với khoảng trên 150 bút danh khác nhau, viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán, Đức… Bác cũng là người sáng lập ra 9 tờ báo ở cả trong và ngoài nước, tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí danh tiếng trên thế giới, nhất là ở những nước mà Người hoạt động như: Nga, Pháp, Trung Quốc…

Bài báo đầu tiên Người viết là “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam”, ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Nhân Đạo (cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp), số ra ngày 18-6-1919. Đây cũng chính là bản yêu sách mà Người gửi đến hội nghị hòa bình ở Véc-xây. Cũng trong thời gian này, Người còn viết nhiều bài khác tố cáo, vạch trần bản chất bóc lột, vô nhân đạo của chế độ thực dân đăng trên các báo Pháp: Nhân Đạo, Tạp chí Nhân dân, Đời sống thợ thuyền, Dân chúng Pa-ri... Những bài báo người viết, mà tiêu biểu là 2 bài “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” và “Tâm địa thực dân” giống như mũi tên bắn thẳng vào bọn thực dân ngay trên chính đất nước của chúng.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc tổ chức ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ. Người chính là linh hồn của tờ báo, vừa làm chủ bút, chủ biên, trực tiếp viết bài và phát hành báo. Với tờ báo này, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã lên án chủ nghĩa đế quốc, thực dân, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền sống, quyền làm người, quyền độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa khắp năm châu.

Bác Hồ luôn tìm tòi, nghiền ngẫm tư liệu để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh: Tư liệu

Trong thời gian hoạt động ở Liên Xô, Người có nhiều bài viết trình bày về vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, đăng trên các tờ: Tạp chí Thư tín quốc tế, Tạp chí Quốc tế nông dân, Tạp chí Quốc tế phụ nữ, báo Sự Thật (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô). Bác còn viết các bài đăng trên các báo ở Pháp để phản ánh về phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân các nước thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng.

Năm 1924, Bác viết bài “Hành hình kiểu Lin-sơ” bằng tiếng Đức, đăng trên báo Diễn đàn thế giới (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đức) để lột trần những hành động phân biệt đối xử của bọn có quyền ở Mỹ đối với những người da đen.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một tác phẩm chính luận kinh điển, gồm 12 chương viết bằng tiếng Pháp, đăng tải lần đầu tiên trên báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản. Tác phẩm gây tiếng vang lớn, thức tỉnh lương tri của những người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng 10 Nga và chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đó là tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và xuất bản báo Thanh Niên (ra mắt bạn đọc ngày 21-6-1925). Thanh Niên là tờ báo chính trị đầu tiên của một tổ chức cách mạng Việt Nam và là ngọn nguồn của báo chí cách mạng. Người kiêm tổng biên tập, trực tiếp viết bài, tổ chức trình bày và vẽ tranh châm biếm, phê phán. Mặc dù chỉ tồn tại khoảng 4 năm (1925-1929) với trên dưới 100 số báo, nhưng Thanh Niên có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1928, khi hoạt động ở Xiêm, Người lấy tên là Thầu Chín. Tại đây, Người đề nghị đổi tên báo Đồng Thanh của Hội Thân ái, một tổ chức của những người Việt yêu nước ở Xiêm thành báo Thân Ái làm cơ quan tuyên truyền cách mạng và Người viết nhiều bài báo cho tờ báo này.

Tháng 8-1941, sau khi về nước hoạt động, Người sáng lập ra tờ Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt Lập để tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng vào các các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Tuyên ngôn độc lập” như một áng thiên cổ hùng văn, sau đó đã được nhiều tờ báo lớn đăng tải.

Năm 1946, trước dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Người viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Bài viết hết sức ngắn gọn, được Bác trực tiếp đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam như lời hịch thúc giục lòng người ra trận, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải ra phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Tiếp đó, trong những năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp (1946-1954), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để chỉ đạo báo chí Việt Nam, viết nhiều bài đăng trên các báo ở trong và ngoài nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 1946-1954, Bác viết 135 bài cho báo Cứu Quốc (cơ quan tuyên truyền của Việt Minh), 24 bài cho báo Sự Thật (cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng) và một số bài cho Tạp chí sinh hoạt nội bộ của Đảng. Từ năm 1951-1969, Bác viết hơn 1.200 bài cho báo Nhân Dân với hơn 20 bút danh khác nhau. Có những bài báo đã trở thành kinh điển, đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: “Dân vận” (báo Sự Thật-1949), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (báo Nhân Dân-1969)…

Ngoài ra, Người còn cộng tác với nhiều tờ báo ở Pháp và Liên Xô với nhiều bài báo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, tiêu biểu là các bài: “Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh hùng”, “Quốc khánh lần thứ mười của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”, “Lê-nin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức”, “Củng cố và phát triển sự thống nhất tư tưởng của các đảng Mác-xít - Lê-nin-nít”, “Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam”, “Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”…

Sự nghiệp làm báo của Hồ Chí Minh liên tục, bền bỉ trong suốt 50 năm, từ bài báo đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” (báo Nhân Đạo ngày 18-6-1919) đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” (báo Nhân Dân ngày 1-6-1969). Sự nghiệp báo chí đồ sộ của Người luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân; nhà cách mạng, nhà báo Hồ Chí Minh là một. Đúng như Người đã từng trao đổi với nhà báo Liên Xô Ru-bơ-xát-ki: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.[1]

Di sản tư tưởng to lớn về nền báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là một cây bút xuất sắc, Bác Hồ còn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo những người làm báo cách mạng Việt Nam. Bằng những bài viết, bài nói của mình, Người tạo nên một phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Người để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm báo; về đạo đức báo chí và phong cách làm báo, viết báo.

Đánh giá cao vai trò của báo chí, trong những lần gặp gỡ phóng viên, Bác nhắc đi nhắc lại một vấn đề cực kỳ quan trọng mà người làm báo phải luôn ghi nhớ, đó là: Báo chí là một mặt trận; cán bộ, phóng viên là chiến sỹ trên mặt trận ấy; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo. Người cho rằng, báo chí là công cụ, phương tiện, phương thức hoạt động cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Ảnh: Tư liệu

Tháng 5-1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”[2]. Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác lại nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[3]. Người còn nói: “Để làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức và hướng dẫn thì các báo chí ta phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế”.[4]

Bác cho rằng, đạo đức nghề báo là cái gốc của nhà báo, những người làm báo phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”. Mặt khác, Người yêu cầu nhà báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân; luôn trung thực, tôn trọng sự thật; chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức suốt đời và đặc biệt là phải đề cao tự phê bình và phê bình.

Tại buổi làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương tháng 6-1968, Bác căn dặn: “Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách phải ghi một câu: Hoan nghênh bạn đọc phê bình” và Bác thẳng thắn phê bình một số tờ báo: “Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”.[5]

Về phong cách làm báo và viết báo, Bác cho rằng, những người cầm bút phải trả lời cho được 3 câu hỏi lớn, đó là: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Viết cho ai xem, theo Bác là viết cho đại đa số công-nông-binh xem. Điều này thể hiện tính quần chúng của báo chí, một trong những nguyên tắc hết sức căn bản mà những người cầm bút phải nắm vững. Viết để làm gì, theo Bác, viết để giáo dục, để giải thích, để cổ động, để phê bình, để phục vụ quần chúng. Viết để làm gì là mục đích của báo chí, do vậy mỗi tờ báo phải xác định rõ tôn chỉ mục đích hoạt động của mình. Viết như thế nào, theo Bác, phải viết cho đúng với trình độ của người xem thì người xem mới hiểu được, nhớ được, làm được. Viết rõ ràng, gọn gàng, ngôn từ phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu, chớ dùng chữ nhiều. Nhưng ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc, không có đầu có đuôi.

Người kịch liệt phê phán lối viết ba hoa, viết như thể đếm dòng lấy tiền, nhạt nhẽo, vô bổ. Người cũng chỉ trích, có những người muốn làm cái gì đó để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn, cái đó cũng không đúng, những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Trong hoạt động tác nghiệp, Người không quên nhắc nhở những người làm báo phải hết sức cẩn trọng: Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn; nói phải có sách, mách phải có chứng; muốn vậy, người làm báo phải đến tận nơi, thấy tận mắt và nghe tận tai, để thấy việc đó, sự kiện đó diễn ra ở đâu, thời gian nào, diễn ra thế nào, kết quả ra sao…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, Người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng nước nhà phát triển rực rỡ. Sự nghiệp báo chí cùng những tư tưởng, quan điểm về báo chí cách mạng của Người mãi mãi là kim chỉ nam cho những người làm báo hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Kao Dân

----------------------------------------------

[1] Ru-bơ-xát-ki, Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Văn nghệ, 1980.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 5, trang 625.

[3] Sđd, trang 613.

[4] Sđd, trang 271.

[5] Sđd, trang 306.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn