Cảnh giác với trò lừa đảo mạo danh bảo hiểm xã hội

HQ Online -

Nắm được tâm lý của người lao động (bị mất việc làm) muốn thanh toán bảo hiểm xã  hội  (BHXH) nhiều đối tượng đã mạo danh BHXH để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản khiến nhiều nạn nhân mất từ vài triệu đến hàng tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Với lời mời gọi rút BHXH một lần, rút trước thời hạn, trợ cấp thai sản, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp, làm lại sổ BHXH, giải quyết hồ sơ quá hạn, một số đối tượng tự xưng cán bộ làm trong cơ quan BHXH, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của mình để chiếm đoạt.

BHXH đang trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo. Ảnh minh họa

Cụ thể, có 3 kênh chính được các đối tượng nhắm đến đó là: Lừa đảo qua điện thoại; gửi tin nhắn, gmail đường dẫn (đường link); qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber… Các đối tượng lừa đảo yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thông tin cá nhân, số điện thoại hoặc căn cước công dân để tính số tiền được hưởng tùy vào nhu cầu người lao động mong muốn.

Đối tượng cũng hứa hẹn chỉ cần thanh toán 5% phí giải quyết hồ sơ vào tài khoản “nhân viên” cung cấp, sẽ giải ngân cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc. Nhưng ngay sau khi giao dịch chuyển tiền thực hiện thành công thì “nhân viên” bỗng dưng bốc hơi và số tiền phí kia cũng không cánh mà bay khiến nhiều người tá hỏa vì đã rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo.

Thực chất, đây không phải lần đầu tiên các đối tượng tung chiêu giả mạo với danh xưng cơ quan BHXH hay cán bộ cơ quan BHXH; nhất là trong thời điểm năm 2021 khi BHXH thực hiện chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP dành cho người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù đã nâng cao cảnh giác nhưng nhiều người dân vẫn ngậm đắng nuốt cay khi vô tình trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trực tuyến với hình thức, mánh khóe ngày càng tinh vị, đa dạng.

Đứng trước tình trạng trên, BHXH Việt Nam đã phát đi khuyến cáo tới người lao động, đơn vị, tổ chức không nên tìm hiểu thông tin, quy trình, thủ tục của BHXH qua các trang, hội nhóm, diễn đàn… không chính thống. Tuyệt đối thận trọng trước số điện thoại lạ có các đầu số: 0555..., 8009... của đối tượng tự xưng là nhân viên BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay thao tác chuyển khoản, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.

Trong trường hợp nhận được thông báo, cuộc gọi lừa đảo cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng gần nhất. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về an ninh trật tự để kịp thời nắm bắt, phòng ngừa được những thủ đoạn lừa đảo online.

Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến với người dân, doanh nghiệp qua các kênh thông tin chính thức như Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.

Dương Hưng (TH)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn