Các nước ngăn chặn biến thể Covid-19 mới Omicron như thế nào?

Trước diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề nghị các quốc gia Đông Nam Á cần cảnh giác trước biến thể Omicron.

Ngày 27/11, bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO, kêu gọi các quốc gia trong khu vực này cảnh giác, tăng cường các biện pháp y tế và xã hội, cũng như tăng tỉ lệ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể mới xuất hiện. 

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh cho rằng, các nước Đông Nam Á nên đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới này thông qua khách quốc tế và đưa ra các biện pháp ứng phó thích hợp với biến thể mới.

Bà Khetrapal Singh nêu rõ, số ca mắc Covid-19 ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã giảm, song nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới, cùng sự xuất hiện "biến thể đáng lo ngại" mới. Theo bà, thực tế này là lời nhắc nhở về nguy cơ của dịch bệnh còn tồn tại và các nước cần tiếp tục nỗ lực để bảo vệ mình khỏi virus và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Các nước ngăn chặn biến thể Covid-19 mới Omicron như thế nào?

Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 có đến 32 đột biến ở protein gai và được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn. Ảnh: thanhnien.com.vn 

Bà nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 càng kéo dài, virus càng có nhiều cơ hội để biến đổi với nhiều đột biến và theo đó, dịch bệnh tiếp tục kéo dài hơn. Bà khuyến nghị mọi người dân cần đảm bảo quy định về y tế và xã hội như đeo khẩu trang che mũi, miệng, giữ khoảng cách an toàn, tránh nơi kém thông gió hoặc nơi đông người, giữ tay sạch, che khi ho, hắt hơi và tiêm phòng để giảm nguy cơ phơi nhiễm với SARS-CoV-2. 

Theo bà, tính đến nay, 31% dân số khu vực Đông Nam Á đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ, có 21% dân số tiêm mũi 1, trong khi gần 48% dân số, tương ứng khoảng 1 tỷ người chưa được tiêm chủng. Do đó, bà kêu gọi người dân khu vực Đông Nam Á tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay cả sau khi đã tiêm chủng để tránh bị nhiễm bệnh và lây nhiễm sang người khác. 

Ngày 26/11, WHO đã tiến hành họp khẩn, đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể đáng quan ngại. Sau khi được phát hiện tại châu Phi, nhiều nước và vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Âu đã phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên. 

Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập của biến thể này thông qua người đi lại giữa các quốc gia có nguy cơ, một số nước, trong đó có Mỹ, Australia, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh cùng Liên minh châu Âu ngay lập tức áp dụng quy định hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ các nước miền Nam châu Phi.

* Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 27/11 thông báo nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch Covid-19 do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron theo tên gọi của Tổ chức Y tế thế giới  (WHO). 

Theo đó, tình trạng khẩn cấp ứng phó với Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ kéo dài đến 28/2. Colombia trước đó có kế hoạch gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 này. 

Sau khi được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tuần trước, biến thể Omicron đã lây lan sang nhiều nước láng giềng của Nam Phi và nhanh chóng xuất hiện tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á và châu Âu. Hiện châu Đại dương và châu Mỹ là 2 khu vực duy nhất chưa phát hiện ca nghi nhiễm nào. 

Trong bối cảnh đó, Cơ quan quản lý y tế của Brazil Anvisa ngày 27/11 đã quyết định bổ sung 4 nước châu Phi gồm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách các nước cấm nhập cảnh vào nước này để ngăn chặn nguy cơ lây lan của Omicron - biến thể được cho có khả năng nguy hiểm hơn biến thể Delta. 

Trước đó, Brazil thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách nhập cảnh từ Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe.

Trong khi đó, giới chức bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm đối với 2 trường hợp từ châu Phi về nước có kết quả dương với SARS-CoV-2 trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này. 

Từ ngày 27/11, Australia cũng đã hạn chế nhập cảnh đối với người từng đến 9 nước khu vực miền Nam châu Phi để ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.

Theo giới chức NSW, toàn bộ hành khách đi cùng chuyến bay với người hành khách nói trên đều đã được đưa đi cách ly trong 14 ngày. Các hành khách có tiếp xúc gần với 2 cá nhân nêu trên sẽ được tiến hành các xét nghiệm cần thiết và cách ly 14 ngày. 

Tại Bahrain, do lo ngại nguy cơ của biến thể Omicron, Bahrain đã bổ sung 4 nước gồm Malawi, Mozambique, Angola và Zambia vào danh sách 6 nước châu Phi bị cấm nhập cảnh vào nước này. 

Công dân Bahrain hoặc thường trú nhân Bahrain không thuộc diện đối tượng thực hiện lệnh cấm trên.

Theo TTXVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn