Bài viết của Tổng Bí thư và bài học “Dân là gốc”

HQVN -

Bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết lý luận và thực tiễn rất sâu sắc qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trong bài viết, Tổng Bí thư đã nhìn lại một cách khách quan, toàn diện nhiệm kỳ Đại hội XII và vạch ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và chặng đường tiếp theo, hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm. Một trong số đó là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.”

Biểu quyết thông qua văn kiện Đại hội Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hải Hà

“Dân là gốc” trong quan điểm, tư duy lý luận của Đảng và bài viết của Tổng Bí thư bắt nguồn từ lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời kế thừa, phát huy những bài học từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lấy “Dân làm gốc”, coi trọng và tiết kiệm sức dân bao giờ cũng là đường lối, chính sách trị nước tích cực của mọi chế độ chính trị. Nhìn lại lịch sử, từ thời phong kiến, triều đại nào biết thực thi chính sách an dân, lấy “Dân làm gốc” thì quy tụ được lòng dân, đất nước hưng thịnh, nhân dân được hưởng thái bình. Ngược lại đất nước rơi vào loạn lạc, bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, giày xéo.

Chuyện vua Trần Anh Tông tới thăm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hỏi kế sách giữ nước cách đây 720 năm (Canh Tý, 1300) vẫn còn nguyên tính thời sự. Khi ấy, Hưng Đạo Vương căn dặn Anh Tông Hoàng đế rằng: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. Rồi chuyện nhà Hồ, do không biết dựa vào dân nên thất bại trước giặc Minh, nước mất, nhà tan, nhân dân chịu lầm than, cơ cực. Câu nói của Tả tướng Hồ Nguyên Trừng đã chỉ ra nguyên nhân thất bại của nhà Hồ: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đến thời Hậu Lê, tư tưởng lấy “Dân làm gốc” được phát huy, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân dân nhà Lê đã đánh bại giặc Minh, khôi phục quốc thống. Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất Nguyễn Trãi khái quát cô đọng ngọn nguồn và triết lý thắng lợi của nhà Lê là: “Việc nhân nghĩa, cốt ở yên dân”, “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Tiếp thu, kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” cũng như bài học lấy “Dân làm gốc” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”, “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của nhân dân để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Tôn trọng, phát huy quyền làm chủ, chăm lo đời sống nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Có dân là có tất cả đã trở thành phương pháp luận, phương châm hoạt động cách mạng của Người: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”...

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 147 giúp nhân dân xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quang Ninh nạo vét kênh mương. Ảnh: Đoàn Hiệp

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam luôn mang tính toàn dân sâu sắc. Đánh giá đúng vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân là mục tiêu, là động lực, bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chúng ta đã đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất non sông, cả nước đi lên CNXH. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước luôn lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể. Mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đất nước vì thế mà đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thấm nhuần bài học “Dân là gốc” trong bài viết của Tổng Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp càng phải nhận thức đúng vai trò của quần chúng nhân dân; quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, vì lợi ích của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tôn giáo, dân tộc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp nhân dân, các vùng miền…

Từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy dân chủ rộng rãi, thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật. Tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng… Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân, tôn trọng nhân dân, “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời Bác Hồ từng căn dặn.

Kao Dân

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn