100 năm Ngày sinh Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (25/10/1921 - 25/10/2021): Tư duy chiến lược của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25/10/1921, tên khai sinh là Tạ Thái An, quê quán thuộc xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc TP Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1941, khi mới 20 tuổi, ông đã tham gia Việt Minh và được cử đi học quân sự tại Liễu Châu, Trung Quốc. Khi học ở trường này, ông đã vinh dự được Bác Hồ đặt tên mới là Hoàng Minh Thảo, cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và sứ mệnh của vị tướng tài ba trong quân đội. 

Sau năm 1954, ông được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự (Học viện Lục quân). Năm 1962, ông được đi nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh, sau đó có thời gian bổ túc quân sự ở Liên Xô. Tháng 11/1966, ông được điều vào giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Năm 1968, ông là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 8/1968, ông là Phó tư lệnh Quân khu V. Tháng 3/1975, ông giữ cương vị Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Sau năm 1975, từ tháng 5/1976 đến năm 1989, ông trở lại là Viện trưởng Học viện Lục quân (1976-1977), Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp (1977-1989). Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự.  

Người chỉ huy có tư duy tầm chiến lược

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu với những quy mô khác nhau. Được trau dồi kiến thức tác chiến hiện đại tại Trung Quốc, Liên Xô, nhưng Hoàng Minh Thảo hoàn toàn không máy móc mà luôn vận dụng sáng tạo lý luận vào điều kiện thực tiễn tác chiến ở chiến trường. Trong thực tế tác chiến, ông đã vận dụng hết sức sáng tạo quan điểm về dùng mưu, lập kế, tạo thế, tranh thời. Đặc biệt, ông rất coi trọng phát huy tư duy sáng tạo của người chỉ huy. Ông cho rằng, muốn chiến thắng địch, người chỉ huy phải biết đánh “bằng cái đầu”, bằng mưu mẹo, lừa dụ địch.

100 năm Ngày sinh Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (25-10-1921 / 25-10-2021): Tư duy chiến lược của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Bộ chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo (ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu 

Khi mới 24 tuổi, Hoàng Minh Thảo đã được giao trọng trách làm Khu trưởng Chiến khu 3 bao gồm các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, điều đó cho thấy sự tin tưởng của Đảng, Bác Hồ dành cho ông. Ông đã lãnh đạo quân và dân Chiến khu 3 tổ chức chống Pháp ở Hải Phòng và giải phóng Móng Cái, Hà Khẩu...; đẩy mạnh chiến tranh du kích, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, hạn chế thấp nhất ưu thế hỏa lực và cơ động của thực dân Pháp, buộc chúng phải bị động đối phó. Là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã chỉ huy đại đoàn vượt qua bao khó khăn, gian khổ, lập công. 

Là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, ông luôn hiểu rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, có nhiều mưu cao, kế sâu, chủ động nghi binh lừa địch. Bằng tư duy chiến lược sắc sảo, ông đã sáng tạo ra nhiều cách đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong Chiến dịch Đắc Tô 1 (1967), ông đã dụ địch vào thế trận “bọc sau lưng địch, gài bẫy vu hồi” của ta và sáng tạo ra chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt”. Trong chiến dịch này, ông chỉ huy 3 trung đoàn với một thế trận nhiều tầng, nhiều lớp đã đánh quỵ 1 lữ đoàn, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn quân Mỹ. Trận Đắc Siêng (1970), trong điều kiện lực lượng địch ưu thế hơn, ông đã dùng kế “đánh điểm, diệt viện” buộc địch ở Tân Cảnh phải rời công sự ra cứu nguy và rơi vào bẫy giăng sẵn của ta. Một tiểu đoàn địch thuộc Trung đoàn 42 ngụy bị tiêu diệt và chỉ huy địch bị bắt sống. Thực tiễn trận Đắc Siêng đã hình thành nên chiến thuật “vận động bao vây tiến công liên tục” là hình thức chiến thuật mới, phát huy sở trường đánh vận động, đánh gần, đánh đêm, hạn chế thấp nhất ưu thế hỏa lực địch. 

Năm 1972, trước quân địch có ưu thế về hỏa lực và cơ động, ông đã chỉ huy Chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh giành thắng lợi lớn. Với mưu kế nghi binh lừa địch, ông đã cho mở hai con đường cơ giới phía tây thị xã Kon Tum làm cho địch lầm tưởng ta tiến công thị xã Kon Tum, đồng thời bí mật mở đường và cơ động lực lượng bất ngờ đột phá cụm Đắc Tô-Tân Cảnh, buộc địch bị động đối phó và thất bại. Thắng lợi của chiến dịch đã góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với tư duy chiến lược nhạy cảm, sáng suốt, ông đã đề nghị với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về việc chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu mở đầu cuộc tiến công chiến lược năm 1975. Bởi theo ông, Buôn Ma Thuột là vị trí hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng Buôn Ma Thuột sẽ “đánh gãy xương sống” của địch, tạo ra thế và lực có lợi cho ta phát triển tiến công. Trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu ý kiến: Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất và có khả năng phát triển xuống đồng bằng”. Ý kiến của ông đã được Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đồng tình chấp nhận.  

Trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Hoàng Minh Thảo đã thể hiện rõ tư duy chiến lược, nghệ thuật dùng mưu, nghi binh lừa địch đạt đến đỉnh cao. Chiến dịch mở đầu bằng một loạt hoạt động cài thế, bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột. Thực hiện phương châm “trói địch lại mà diệt”, ta đã cắt đứt hoàn toàn các tuyến đường bộ nối Buôn Ma Thuột với Bắc Tây Nguyên và đồng bằng, làm cho địch không thể ứng cứu đường bộ khi thị xã Buôn Ma Thuột bị tiến công. Đồng thời, ta đã dùng mưu tăng cường hoạt động nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về phía Bắc Tây Nguyên (Kon Tum), đánh trận giả ở Pleiku làm cho địch mắc mưu, lầm tưởng rằng ta sẽ tiến công căn cứ Pleiku, để sơ hở hướng Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.

Chiến dịch Tây Nguyên, đòn mở đầu giành thắng lợi vang dội có ý nghĩa chiến lược, buộc quân địch phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên, tạo ra thời cơ chiến lược có một không hai để Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975”. Đúng như lời ông, “mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời cơ”, hoạt động nghi binh lừa dụ địch, tập trung lực lượng ưu thế hơn kẻ địch trong đòn mở đầu Buôn Ma Thuột là nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của quân đội ta.

Nhà lý luận quân sự xuất sắc ở tầm chiến lược

Với tư chất thông minh, khi có điều kiện được đi học ở nước ngoài, ông đã tự học thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, đây là điều kiện thuận lợi để ông tham khảo trực tiếp các tài liệu của nước ngoài nhằm tích lũy tri thức về tác chiến hiện đại. Ông có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, có khả năng khái quát kinh nghiệm thực tiễn tác chiến, đúc kết thành hệ thống lý luận quân sự. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự đặc sắc, là di sản quý báu về học thuật khoa học và nghệ thuật quân sự, điển hình như: "Học tập khoa học quân sự Xô Viết" (1958); "Tổ tiên ta đánh giặc" (1969); "Thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" (1975); "Chiến dịch Tây nguyên đại thắng" (1977); "Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy" (1987); "Nghệ thuật tác chiến: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn" (1990); "Về cách dùng binh" (1997); "Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự" (2001)... Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn và có đóng góp lớn cho việc biên soạn cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Năm 2005, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam. 

Những tác phẩm của ông chứa đựng hệ thống tri thức quân sự uyên bác, với tư duy chiến lược sâu sắc, trong đó nội dung nổi bật của nghệ thuật quân sự được ông khái quát là: Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch, thế tốt nhất là thế chia cắt địch, thời đẹp nhất là lúc địch thiếu phòng bị; mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời, đánh địch bằng mưu, thắng địch bằng thế thời; chủ động là mạch sống của tác chiến. Trong tác chiến, ông cho rằng: Kế hoạch tác chiến càng công phu, kỹ lưỡng bao nhiêu thì thắng lợi càng dễ bấy nhiêu; thế trận càng phức tạp thì tình huống diễn ra càng đơn giản... người chỉ huy phải luôn coi trọng xây dựng thế trận, bồi bổ binh lực, luôn nắm chắc và làm chủ 3 yếu tố chủ yếu của sức mạnh tác chiến, đó là cơ động, hỏa lực và đột kích. Đây là những luận điểm được đúc kết từ thực tiễn đầy phong phú của người trực tiếp cầm quân, được khái quát thành lý luận tầm chiến lược và đã trở thành “cẩm nang”, thành tri thức quân sự được giảng dạy cho cán bộ cao cấp tại Học viện Quốc phòng. Điều đó thể hiện khả năng khái quát thực tiễn trên nền tảng tư duy chiến lược nhạy cảm, sâu sắc với một thái độ lao động cần mẫn của nhà khoa học. Trong một lần trả lời báo chí, ông đã nói: “Sau mỗi chiến dịch, tôi đều tự mình nghiên cứu, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm về cách đánh”.

Vừa trải nghiệm qua thực tiễn chỉ huy các chiến dịch, vừa là nhà khoa học về nghệ thuật quân sự, ông được mệnh danh là vị tướng của thế, lực và thời cơ. Điều đó có nghĩa là phép dụng binh của ông không chỉ dựa vào sự áp đảo về quân số, trang bị vũ khí, mà còn phải dựa vào mưu trí, vào cách đánh sáng tạo, bất ngờ. 

Người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội

Sau chiến tranh, ông được chỉ định là người đứng đầu những cơ sở đào tạo sĩ quan trung, cao cấp của quân đội. Hàng vạn cán bộ cao cấp, trong đó có hàng trăm tướng lĩnh quân đội đã được đào tạo đều có công lao đóng góp của ông. Trong sư phạm, không chỉ làm công tác quản lý, ông còn trực tiếp lên lớp truyền đạt những tri thức khoa học quân sự sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn tác chiến phong phú. 

Là người thầy, ông luôn thể hiện là người có tầm nhìn chiến lược, với tư duy vượt trước. Sớm nhận thấy vai trò của vũ khí công nghệ cao, nhu cầu cần phải chăm lo xây dựng quân đội theo hướng chính quy, hiện đại, ông đã có nhiều ý kiến tham mưu, đề xuất với Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội. Năm 1985, trong điều kiện nước nhà còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, tư tưởng bảo thủ còn khá phổ biến ở một số cán bộ, trên cương vị Viện trưởng Học viện Quân sự Cấp cao, ông đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch đưa dần máy tính vào chương trình bồi dưỡng giảng viên và học viên của học viện. 

Với trọng trách là Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, ông đã trực tiếp tham gia đào tạo, hướng dẫn hàng trăm cán bộ quân đội đạt trình độ tiến sĩ về khoa học và nghệ thuật quân sự. Học viên của ông hầu hết đã trở thành những tướng lĩnh trong quân đội, đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại các quân khu, quân đoàn, cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo là một trong số những vị tướng toàn tài, giỏi trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự, nhà binh lược kiệt xuất. Trong chiến tranh, ông là vị tướng trận mạc, hòa bình, ông là vị tướng có hàm Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân. Ông đã để lại kho tàng lý luận về khoa học nghệ thuật quân sự hết sức độc đáo, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong điều kiện mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo QĐND điện tử

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Diệu Ân (2008), Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

2. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1996), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2000), Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn